Các thuốc trị ung thư đắt nhất thế giới
DEIOG
Thứ Sáu,
24/05/2024
Nội dung bài viết
Các loại thuốc ung thư đắt nhất có giá từ 12.000 USD, thậm chí hơn 64.000 USD cho một tháng điều trị, gấp ba lần so với thuốc thông thường.
Theo Báo cáo Xu hướng Ung thư Toàn cầu năm 2023 của Viện Khoa học Dữ liệu con người (Institute for Human Data-IQVIA), số lượng thuốc điều trị ung thư mới có mức giá vượt quá 200.000 USD mỗi năm ngày càng tăng, chiếm 44% số lượng thuốc ra mắt trong 5 năm qua. 79% số ca điều trị ung thư có chi phí hàng năm trên 100.000 USD, tăng từ mức 52% của năm 2019. Các loại ung thư điều trị tốn kém nhất gồm ung thư phổi, biểu mô, vú, đại tràng, bàng quang và ung thư da.
Nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc hàng đầu cho bệnh nhân ung thư ở Mỹ, chỉ ra 5 loại thuốc có mức giá cao ngất ngưởng.
Xofigo - 12.600 USD
Xofigo được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ phê duyệt vào tháng 5/2013 để điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối đã di căn xương. Thuốc dành cho các bệnh nhân đã sử dụng những liệu pháp điều trị trước đó nhưng không hiệu quả. Liều dùng một tháng của thuốc có giá 12.600 USD.
Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng, thuốc hoạt động bằng cách liên kết với các khoáng chất trong xương để đưa bức xạ trực tiếp đến khối u, giúp bệnh nhân sống thêm trung bình 14 tháng sau khi điều trị, cao hơn so với 11,2 tháng ở nhóm dùng giả dược.
Đến nay, thuốc không đạt được thành công lớn về mặt thương mại như các loại thuốc ung thư tuyến tiền liệt gần đây, chẳng hạn "bom tấn" Zytiga và Xtandi. Nhưng nó vẫn tạo doanh thu 171 triệu USD cho hãng.
Cyramza - 13.200 USD
Cyramza do gã khổng lồ dược phẩm Eli Lilly sản xuất, được phê duyệt để điều trị ung thư dạ dày và ung thử phổi không tế bào nhỏ vào tháng 4/2013. Thuốc có giá 13.200 USD cho liều dùng hàng tháng.
Cyramza hoạt động bằng cách cắt đứt nguồn cung cấp máu cần thiết cho sự phát triển của khối u. Thuốc được sử dụng cho những bệnh nhân có khối u tiến triển sau khi đã điều trị bằng các phương pháp khác. Trong các thử nghiệm, bệnh nhân ung thư phổi không phải tế bào nhỏ dùng Cyramza, cộng với docetaxel hóa trị, sống được trung bình 10,5 tháng.
Kể từ khi ra mắt Cyramza vào quý 2/2017, doanh số bán hàng của Eli Lilly tăng trưởng đều đặn.
Zykadia - 13.600 USD
Tháng 4/2017, thuốc Zykadia của ông lớn Novartis được FDA phê duyệt để điều trị cho bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn cuối, dương tính đột biến gene ALK. Thuốc có giá hơn 13.600 USD.
Zykadia chỉ định sau khi bệnh nhân tái phát ung thư dù đã điều trị bằng crizotinib - phương pháp duy nhất cho nhóm bệnh hiếm gặp này. Theo FDA, chỉ 2-7% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ dương tính với đột biến gene ALK.
Trong các thử nghiệm lâm sàng, khối u ở khoảng một nửa số bệnh nhân dùng Zykadia đã co lại. Dù hiệu quả và có mức giá cao, Zykadia vẫn chưa trở thành nguồn doanh thu lớn cho Novartis.
Một hộp thuốc điều trị ung thư Zykadia của hãng dược Novatis. Ảnh: Novatis© Được VnExpress cung cấp
Lenvima - 13.900 USD
FDA đã chấp thuận thuốc Lenvima vào tháng 2/2018, điều trị ung thư tuyến giáp biệt hóa (DTC). Thuốc có giá 13.900 USD cho một tháng sử dụng. Giống với các loại thuốc đắt đỏ khác, thuốc chỉ được sử dụng đối với bệnh nhân không đáp ứng các phương pháp tiêu chuẩn trước đó.
Lenvima ngăn chặn các protein được tế bào ung thư sử dụng để phát triển và tái tạo, đồng thời đem lại kết quả đáng chú ý trong thử nghiệm lâm sàng. Bệnh nhân dùng Lenvima sống trung bình 18,3 tháng, không thấy bệnh tiến triển. Trong khi đó, người dùng giả dược tiến triển chỉ sau 3,6 tháng.
Theo Viện Ung thư Quốc gia, 62.980 người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp hàng năm. Hầu hết bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp hiện có, song một số người sẽ không đáp ứng thuốc. Kết quả, số lượng bệnh nhân tiếp cận Lenvima ban đầu khá nhỏ. Tuy nhiên, Eisai đang khám phá tiềm năng của thuốc trong việc điều trị các loại ung thư khác.
Blincyto - 64.200 USD
Blincyto là thuốc điều trị bệnh bạch cầu lymphoblastic cấp tính hiếm gặp, được FDA phê duyệt tháng 12/2018. Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân có tế bào B tiền thân nhiễm sắc thể âm tính Philadelphia, tình trạng khiến tủy xương tạo ra quá nhiều tế bào bạch cầu chưa trưởng thành. Chỉ 6.000 người Mỹ được chẩn đoán mắc bệnh mỗi năm. Các bệnh nhân phải chi trả khoảng 64.200 USD mỗi tháng để sử dụng thuốc.
Blincyto giúp hệ thống miễn dịch tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư bạch cầu. Vì thuốc giải nhu cầu đáng kể, chưa được đáp ứng ở nhiều bệnh nhân, nhà sản xuất Amgen đã định giá nó cao hơn nhiều so với các liệu pháp điều trị khác.
Hôm 16/5, Mỹ cũng cấp phép thuốc tarlatamab-dlle chữa ung thư phổi tế bào nhỏ di căn, giá 780.000 USD cho một năm điều trị. Thuốc được bán với tên thương mại là Imdelltra, liệu pháp miễn dịch nhắm mục tiêu, sử dụng kháng thể đặc hiệu để liên kết với tế bào ung thư và tế bào miễn dịch, từ đó hướng dẫn hệ miễn dịch tiêu diệt ung thư.
Vì sao thuốc ung thư có giá đắt đỏ?
Thuốc ung thư thường đắt gấp ba lần so với các phương pháp điều trị khác. Một số nguyên nhân chính dẫn đến giá thuốc cao là chi phí nghiên cứu/ sản xuất cũng như chi tiêu toàn cầu cho thuốc điều trị ung thư tăng.
Việc phát triển các loại thuốc trị ung thư mới đòi hỏi sự đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. Quá trình này kéo dài hơn một thập kỷ, gồm nhiều giai đoạn để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Các chi phí trả trước đó là yếu tố chính cho việc định giá thuốc ung thư.
Bên cạnh đó, điều trị ung thư là một hành trình phức tạp và không nhất quán, đòi hỏi các liệu pháp nhắm mục tiêu, thường là thuốc sinh học hoặc thuốc cá nhân hóa. Các phương pháp tiên tiến này tốn kém hơn so với những loại thuốc thông thường.
Quy trình phê duyệt theo quy định đối với thuốc điều trị ung thư rất nghiêm ngặt, cần được FDA và Cơ quan Quản lý Thuốc châu Âu (EMA) xem xét tỉ mỉ. Việc tuân thủ quy trình này làm tăng chi phí phát sinh, sau này được chính người tiêu dùng chi trả.
Nhu cầu về phương pháp điều trị ung thư hiệu quả rất cấp thiết, cho phép các công ty dược đặt giá sản phẩm cao hơn. Các hệ thống y tế cũng sẵn lòng kê cho bệnh nhân liệu pháp có thể cứu sống họ.
Thục Linh (The Statista, The Motley Fool, Elpais)