Không được ly hôn vợ mới sinh, tôi đau và uất khi phải chăm con người khác

Không được ly hôn vợ mới sinh, tôi đau và uất khi phải chăm con người khác

DEIOG
Thứ Ba, 18/06/2024
Nội dung bài viết

Mấy hôm nay, mọi người bàn tán nhiều về một nội dung trong nghị quyết 01/2024 Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao, rằng người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai hoặc mới sinh (con dưới 12 tháng tuổi), ngay cả khi đứa trẻ là con người khác, khiến vết thương lòng vẫn đang sưng tấy của tôi một lần nữa bị khơi dậy.

Nhiều người tưởng đó là quy định mới, nhưng tôi biết rõ điều đó được quy định từ lâu trong Luật Hôn nhân Gia đình, văn bản trên chỉ hướng dẫn rõ hơn mà thôi, bởi chính tôi ở trong tình huống tương tự. Thật ra cho dù pháp luật không cấm, chắc tôi cũng không đang tâm bỏ vợ khi cô ấy đang ôm đứa con đỏ hỏn, nhưng nỗi đau khổ của một người chồng như tôi nếu ai không trải qua sẽ không hiểu được nó khủng khiếp đến thế nào.

Khi vợ đang mang thai, tôi đã nghe phong thanh một vài lời dị nghị về người cha thật sự của đứa con trong bụng cô ấy, nhưng đều gạt phắt ra khỏi đầu, không muốn niềm hạnh phúc sắp được làm cha mẹ mà hai đứa phải cố gắng gần 5 năm mới có bị vẩn đục. Khi  đứa bé ra đời, ôm nó trong tay, tôi bật khóc vì cảm nhận sự gắn kết thiêng liêng giữa cha và con, cảm thấy mình có thể làm bất cứ điều gì để che chở, nuôi nấng sinh linh bé nhỏ này.

Thế nhưng sau khi làm tiệc đầy tháng, xem lại hồ sơ sức khỏe của hai mẹ con, nhìn thông tin nhóm máu của đứa bé, tôi bàng hoàng nhận ra nó không thể là con mình. Tôi lấy bút đỏ khoanh tròn thông tin đó và đưa cho vợ, cô ấy ngay lập tức hiểu chồng muốn nói gì và khóc ròng thú nhận mọi chuyện.

((Ảnh minh họa: Adobe))

((Ảnh minh họa: Adobe))© Được VTC News cung cấp

Hóa ra vợ tôi gặp lại người yêu cũ, người vẫn để lại vết đau trong lòng cô ấy, chia tay với anh ta là chuyện khiến cô ấy không cam lòng nhất trong quá khứ. Anh ta cũng đã vợ con đề huề.

Họ hẹn gặp nhau để nói một lần cho hết mọi khúc mắc trong lòng để tiếp tục cuộc sống mới, nhưng không ngờ sau những giãi bày và nước mắt lại là vượt giới hạn và phản bội. Lấy tôi mấy năm cố mãi vẫn không thấy gì, gặp lại người đó một lần đã có thai, vợ tôi biết gần như chắc chắn anh ta là bố đứa trẻ.

Vốn cô ấy định phá bỏ để phi tang tội lỗi, nhưng vì đã đợi rất lâu để làm mẹ nên cuối cùng vẫn để lại với hy vọng không ai phát hiện ra. Không ngờ sự thật lại vỡ lở nhanh như vậy. Vợ nói, cô ấy có tội nên tôi muốn xử lý thế nào cũng chịu, không dám oán trách.

Suy nghĩ đầu tiên của tôi lúc đó là ly dị. Tôi không chịu nổi nỗi đau đớn và nhục nhã này. Tôi gọi điện cho anh bạn làm luật sư, lấy cớ hỏi cho người khác để tìm hiểu thủ tục ly dị, nhưng anh ấy nói trước khi đứa trẻ tròn 1 tuổi, người chồng không thể đơn phương yêu cầu ly hôn.

Điều này khiến tôi phát điên vì cảm thấy bất công, rõ ràng tôi là nạn nhân, tại sao lại bị trói buộc như vậy! Nhưng sau khi bình tĩnh lại, khi nhìn vợ phờ phạc ôm đứa con đỏ hỏn, tôi biết là dù pháp luật cho phép đi nữa, mình cũng không đang tâm vứt bỏ cô ấy trong giai đoạn này. Với người phụ nữ vừa sinh con, điều đó quá tàn nhẫn, có thể gây những hậu quả nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần cho cả hai mẹ con.

Tôi đành đối xử tàn nhẫn với chính tôi. Với người vợ cắm sừng chồng và mang thai với người khác như vậy, dù không ly hôn, lẽ ra tôi có thể trả cô ấy về nhà ngoại. Nhưng vợ tôi không có nhà ngoại để nương tựa. Bố mẹ đã mất, người anh ruột vừa nghèo vừa đông con, tình cảm anh em cũng không tốt lắm, cô ấy hoàn toàn không thể nhờ vả. Thu nhập của vợ tôi không thể nào đủ để thuê nhà, nuôi con và thuê người giúp đỡ.

Vì thế, tôi chỉ có thể tiếp tục để vợ ở nhà mình. Sự hiện diện của đứa trẻ, tiếng khóc của nó như sự tra tấn đối với tôi, luôn nhắc nhở tôi về sự thất bại cay đắng của mình. Tôi bỏ ra ngoài thuê nhà ở tạm chờ đến lúc ly hôn, nhưng đi được vài tuần thì bạn thân của vợ gọi điện cầu xin tôi quay về, vì mấy người bạn thay nhau đến giúp cũng chỉ quay vòng được chừng ấy thời gian, không thể ở thêm được nữa.

Cô bạn kia bảo tôi: “Anh không cần giúp cô ấy nhiều, chỉ cần đêm ở nhà để cô ấy vững dạ, nhỡ khi có việc cấp bách cần nhờ thôi”. Tôi lạnh lùng từ chối, nhưng hôm sau vẫn trở về vì không đành lòng. Tôi luôn kiếm việc để làm, chờ khuya mới về nhà để khỏi phải nhìn thấy hai mẹ con, nhưng nhìn hay mẹ con vật lộn với nhau, tôi không đành lòng làm ngơ được, đành giúp cô ấy lúc pha sữa, lúc bế hộ… Vợ tôi quá stress nên rất ít sữa, trong khi thằng bé có vẻ ghét ăn sữa ngoài, khóc quấy luôn. Nhìn nó, nhớ lại cảm giác lúc ôm nó vào lòng khi mới ra đời, lòng tôi trào lên thương xót. Càng ngày tôi càng làm giúp nhiều việc hơn, rồi dần dần cứ hết giờ làm, trừ khi có hẹn nhậu với bạn, tôi đều về nhà hỗ trợ cô ấy.

Tuy xác định không thể bỏ mặc vợ trong giai đoạn đứa trẻ còn trứng nước, tôi vẫn mong từng ngày để có thể thoát khỏi tình trạng này. Sống như vậy với tôi quá thống khổ. Dù thương xót vợ và đứa bé, tôi vẫn luôn hận cô ấy phản bội, hận số phận đã đẩy mình vào tình trạng ngang trái này. Sự hiện diện của họ trong căn nhà vẫn luôn nhắc nhở tôi về nỗi nhục bị cắm sừng, về nỗi tréo ngoe khi tôi là nạn nhân nhưng vẫn phải phục vụ người đàn bà gây đau khổ cho mình, chăm sóc đứa con của người khác.

Có những lúc không chịu nổi, đang bế đứa trẻ cho vợ làm việc khác, tôi đặt nó xuống và bỏ đi, mặc kệ vợ muốn xoay thế nào thì xoay. Tôi vẫn luôn phải đấu tranh để không đuổi cô ấy ra khỏi nhà, hoặc ra nhà trọ ở, bỏ mặc hai mẹ con một lần nữa.

Xin mọi người hãy cho tôi lời khuyên, giúp tôi thoát khỏi cảnh mắc kẹt khổ sở này.

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết
Thu gọn