Làm gì khi bị vỡ mũi như Mbappe?
DEIOG
Thứ Ba,
18/06/2024
Nội dung bài viết
Vỡ mũi là tình trạng gãy hoặc nứt xương ở mũi gây đau, chảy máu, sưng và bầm tím, nhưng không phải tất cả trường hợp đều cần phẫu thuật.
Trong một số trường hợp, vỡ mũi nhẹ có thể tự lành mà không cần can thiệp phẫu thuật. Người bệnh chỉ gãy xương nhỏ, không sai lệch vị trí khớp xương sụn mũi, bác sĩ thường kê đơn thuốc và cố định bằng nẹp.
Trong pha tranh chấp bóng với các cầu thủ đội tuyển Áo tại Euro 2024 ngày 17/6, tiền đạo Kylian Mbappe của đội tuyển Pháp đã bị vỡ mũi. Ở tình huống bóng bổng phút 85, Mbappe cố gắng đánh đầu nhưng đập mặt vào vai trung vệ Kevin Danso. Pha va chạm khiến thủ quân tuyển Pháp chảy nhiều máu phần mặt. Bác sĩ chẩn đoán Mbappe bị vỡ mũi, song không cần phẫu thuật.
Tùy theo mức độ chấn thương, bác sĩ sẽ xử lý theo một trong những phương pháp sau:
- Băng bó và cố định mũi bằng nẹp, bông gạc.
- Kê đơn thuốc giảm đau và kháng sinh.
- Phẫu thuật thu nhỏ kín, sử dụng thuốc gây tê cục bộ để chỉnh lại sụn mũi.
- Phẫu thuật nâng mũi.
- Phẫu thuật sửa vách ngăn mũi
Bác sĩ thường không chỉ định bệnh nhân làm ba loại phẫu thuật trên cho đến 10 ngày sau chấn thương, khi vết sưng đã giảm. Việc điều trị y tế đôi khi không cần thiết nếu người bệnh chỉ gãy xương nhỏ, không bị sai lệch vị trí các khớp xương. Tuy nhiên, bác sĩ luôn đánh giá chuyên sâu tình trạng bệnh nhân để quyết định biện pháp điều trị phù hợp nhất. Chấn thương từ trung bình đến nặng mới cần can thiệp phẫu thuật. Vết đau sau phẫu thuật sẽ giảm trong vòng 72 giờ.
Nguyên nhân và triệu chứng vỡ mũi
Tác động đột ngột vào mũi là nguyên nhân phổ biến nhất của dạng chấn thương này. Tần suất các ca gãy mũi xảy ra nhiều hơn so với chấn thương mặt và cổ. Các lý do phổ biến dẫn đến gãy mũi thường là ngã từ khoảng cách nhất định, va chạm khi chơi thể thao (như trường hợp của Mbappe), tai nạn giao thông, bị đấm hoặc đá vào mũi.
Các triệu chứng của vỡ mũi gồm đau trong hoặc xung quanh mũi, mũi cong vẹo, sưng tấy quanh mũi, chảy máu mũi, ngạt mũi nhưng không chảy nước (tức là vách ngăn mũi bị sai lệch), bầm tím quanh mũi và mắt (thường biến mất sau ba ngày).
Kylian Mabppe chảy máu mũi trong trận Pháp thắng Áo 1-0 ở Euro 2024. Ảnh: Reuters© Được VnExpress cung cấp
Khi nào cần điều trị y tế khẩn cấp
Các chuyên gia khuyến nghị gọi cấp cứu hoặc tìm cách điều trị tại chỗ ngay lập tức nếu bị vỡ mũi kèm các triệu chứng:
- Máu mũi chảy liên tục không ngừng lại.
- Dịch lỏng trong suốt chảy ra từ mũi.
- Khó thở.
- Mũi cong vẹo hoặc biến dạng.
Ai có nguy cơ bị vỡ mũi
Tai nạn gãy mũi có thể xảy ra với bất cứ ai, tuy nhiên các hoạt động mạnh, chẳng hạn chơi thể thao đối kháng làm tăng khả năng xảy ra tình trạng này. Các môn thể thao có tỷ lệ người chơi bị vỡ mũi cao nhất gồm bóng rổ, quyền Anh, bóng đá, khúc côn cầu, võ thuật, bóng bầu dục.
Các hoạt động khác làm tăng rủi ro gãy mũi là tham gia ẩu đả, không thắt dây an toàn khi đi xe hơi, đi xe đạp và xe máy với tốc độ cao... Nhóm có nguy cơ vỡ mũi cao hơn khi tham gia các bộ môn thể thao là trẻ em và người lớn tuổi. Trẻ em có tỷ lệ gãy xương mũi cao hơn, bởi khối lượng xương của chúng vẫn đang phát triển.
Sơ cứu gãy mũi tại chỗ
Nếu không có triệu chứng nặng cần điều trị y tế ngay, bạn có thể sơ cứu tạm thời tại nhà trước khi đến gặp bác sĩ. Trường hợp bị chảy máu mũi, chuyên gia khuyến nghị ngồi xuống, nghiêng về phía trước, thở bằng miệng giúp máu không chảy xuống cổ họng. Không bị chảy máu, bạn có thể nâng cao đầu để giảm đau nhói. Để giảm sưng, chườm lạnh bằng đá bọc trong khăn, để 15 đến 20 phút, 3-4 lần/ngày.
Thục Linh (Theo Healthline, NHS)