Lo dịch bệnh bùng phát, người dân đổ xô đi tiêm vaccine bạch hầu

Lo dịch bệnh bùng phát, người dân đổ xô đi tiêm vaccine bạch hầu

DEIOG
Chủ Nhật, 14/07/2024
Nội dung bài viết

Ông Nguyễn Như Đường đưa người nhà đi tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu. Ảnh: Việt Anh

Ông Nguyễn Như Đường đưa người nhà đi tiêm vaccine phòng chống bệnh bạch hầu. Ảnh: Việt Anh© Lao Động

Bệnh bạch hầu là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do mức độ lây lan và biến chứng nặng. Vì vậy, sau thông tin một bệnh nhân ở Nghệ An tử vong do bệnh bạch hầu, nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh tăng lên.

Nhu cầu tiêm vaccine bạch hầu ở Hà Nội tăng cao

Khi biết thông tin một cô gái trẻ ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An tử vong do bệnh bạch hầu, ông Nguyễn Như Đường (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đưa 5 người trong nhà đi tiêm vaccine phòng bệnh.

“Tôi cũng lo lắng cho sức khỏe của mình và của gia đình nên đưa cả nhà đi tiêm để phòng bệnh bạch hầu, giảm nguy cơ lây lan từ cộng đồng” - ông Đường cho biết.

Cũng giống như ông Đường, chị Phạm Thị Dịu (Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu ngay sau khi nghe tin có ca bệnh tử vong.

“Vì mình còn trẻ đi lại nhiều nơi nên mình thấy rằng chủ động đi tiêm phòng vaccine là tốt nhất, tiêm vaccine sẽ có sức khỏe tốt hơn và tạo cảm giác an toàn cho bản thân” - chị Dịu chia sẻ.

Chủ động tiêm vaccine bạch hầu, tránh lây chéo trong cộng đồng

Theo bác sĩ Phạm Đình Đông, bác sĩ trưởng Trung tâm tiêm chủng VNVC cơ sở Trường Chinh (Thanh Xuân, Hà Nội), bạch hầu là một bệnh lây nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch yếu.

Tác nhân gây ra bệnh bạch hầu là vi khuẩn gram dương, hiếu khí Corynebacterium diphtheriae, tồn tại dưới 3 dạng gồm: Gravis, Mitis và Intermedius. Vi khuẩn bạch hầu phát triển tốt trong môi trường thông thoáng. Đặc biệt, chúng phát triển nhanh trong môi trường có máu và huyết thanh. Đáng nói, sau ca mắc tử vong do bệnh bạch hầu nhu cầu tiêm vaccine của người dâng tăng cao.

“Ngày 9.7 trung tâm tiêm chủng tiếp nhận, tư vấn, khám và tiêm phòng cho gần 1.000 khách hàng. Đa số các đối tượng tới tiêm đều là tiêm mũi 1. Với hệ cơ chế miễn dịch thông thường sau khi tiêm vaccine khoảng 2 tuần, cơ thể sẽ bắt đầu tạo ra kháng thể và đạt tối ưu nhất là sau 4 tuần, thời gian này sẽ tạo ra miễn dịch, khả năng phòng bệnh” - bác sĩ Phạm Đình Đông cho biết.

Bác sĩ Đông cũng thông tin thêm: “Vaccine bạch hầu không thể phòng bệnh 100%, tuy nhiên khi đã tiêm phòng, tỉ lệ phòng bệnh là rất cao, nếu trong trường hợp mắc thì bệnh sẽ nhẹ hơn và giảm được nguy cơ biến chứng.

Ngoài ra, người dân cần tuân thủ biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, vệ sinh mũi, hầu họng, tăng cường sức đề kháng như luyện tập, ăn uống sạch... ”.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo, bệnh bạch hầu là bệnh có vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vì vậy, để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, người dân cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh, đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc, 1 trường hợp tử vong

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết, thực ra nguy cơ lây lan bệnh bạch hầu ra cộng đồng là không lớn, các ca bệnh hiện nay phát hiện mang tính chất lẻ tẻ do hầu hết các đối tượng trẻ em hiện nay đều đã được tiêm phòng vaccine khi còn nhỏ. Chỉ có những trẻ chưa được tiêm phòng vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ theo lịch tiêm chủng thì mới có khả năng mắc bệnh.

Ông Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết, nguy cơ lây nhiễm vẫn có trong cộng đồng, quan trọng là cần tiêm vaccine đầy đủ để phòng bệnh, cách ly và uống kháng sinh dự phòng nếu tiếp xúc mầm bệnh.

Từ năm 2020, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta có gia tăng, chủ yếu ghi nhận tại nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp, tiêm không đủ mũi.

Hiện vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu không thiếu. Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT...) đầy đủ, đúng lịch để bảo đảm miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng.

Trong trường hợp hoãn tiêm, nên tiêm bù sớm nhất có thể. Tại cộng đồng, đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch, có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc hoặc nghi mắc bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

“Bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine và tiếp xúc với mầm bệnh.

Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương, từ khi vaccine phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận các ca bệnh lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực có tỉ lệ tiêm chủng thấp” - ông Hoàng Minh Đức nói rõ thêm.

Tại Việt Nam, tất cả trẻ em đều cần được tiêm phòng vaccine bạch hầu ở trong dạng phối hợp với các vaccine khác bao gồm 3 mũi cơ bản, cách nhau ít nhất 1 tháng khi trẻ được 2-3-4 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18 - 24 tháng tuổi. Một năm sau nhắc lại mỗi một năm 1 lần cho đến 5 tuổi. Người lớn chưa được tiêm hoặc không có miễn dịch cần được tiêm nhắc lại 1 mũi.

Lệ Hà

Số người đến đăng ký tiêm vaccine bạch hầu ở TPHCM đã tăng đột biến

Vừa nghe được thông tin dịch bệnh bạch hầu và có người tử vong, chị Nguyễn Thị Nhật An (47 tuổi, quận Gò Vấp, TPHCM) đã huỷ chuyến đi du lịch của cả nhà vào cuối tuần này để đi tiêm vaccine và đợi dịch bệnh được kiểm soát.

Chị Nhật An có 4 người con, 2 bé lớn chưa được tiêm nên lần này được tiêm bổ sung, còn 2 bé nhỏ được tiêm nhắc lại để đảm bảo an toàn tối đa cho các con.

Cùng chung suy nghĩ lo ngại dịch bệnh như chị Nhật An, bà Nguyễn Thị Thanh (53 tuổi, TPHCM) cũng đến Viện Pasteur TPHCM tiêm vaccine ngừa bệnh bạch hầu.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động tại Viện Pasteur TPHCM, chỉ trong vòng 2 ngày qua, số lượng bệnh nhân đến đăng ký tiêm vaccine bạch hầu đã tăng đột biến.

Theo nguồn tin riêng, trước đây, mỗi ngày chỉ có khoảng 10-11 người đến tiêm vaccine bạch hầu, nhưng trong 2 ngày gần đây, con số này đã tăng lên 100-130 người/ngày. Số lượng người tiêm vaccine bạch hầu tăng cao đột biến khiến Viện Pasteur TPHCM có nguy cơ hết vaccine vào ngày 11.7.

Đại diện Viện Pasteur TPHCM cho biết, vaccine bạch hầu không phải là vaccine hiếm. Tại các Trung tâm kiểm soát bệnh tật các quận, huyện và TP Thủ Đức, các phòng tiêm chủng trên địa bàn đều có sẵn vaccine, người dân có thể đến các điểm tiêm này. Viện Pasteur cũng đã làm hồ sơ mua trực tiếp vaccine nên sẽ sớm có lại vaccine.

LY ÁNH

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết
Thu gọn