Ông Thích Minh Tuệ tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực

Ông Thích Minh Tuệ tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực

DEIOG
Thứ Hai, 03/06/2024
Nội dung bài viết

Sáng 3/6, theo Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ), sinh năm 1981, nơi đăng ký hộ khẩu tại Thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.

Ông Thích Minh Tuệ.

Ông Thích Minh Tuệ.© Được VTC News cung cấp

Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin, từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại.

Trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Lê Anh Tú diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng - Hà Giang và hiện nay đang đi chiều ngược trở lại, hiện đã đến khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, trong hành trình trở về của lần đi bộ thứ tư xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo ông Lê Anh Tú, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường.

Đặc biệt, ngày 30/5, xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo có tên là Lương Thanh Sơn (trú tại Quận 1, TP.HCM) bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong.

Tiếp đó, ngày 2/6, hai người phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị.

"Trước sự việc đáng tiếc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực", thông báo của Ban Tôn giáo Chính phủ nêu rõ.

Ban Tôn giáo Chính phủ khuyến cáo, để bảo đảm sự ổn định xã hội, tính mạng, sức khỏe và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mọi người dân nếu có niềm tin, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo cần tìm hiểu, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, không tham gia các hoạt động làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ gìn môi trường sinh hoạt tôn giáo ổn định, lành mạnh; góp phần xây dựng xã hội kỷ cương, vì bình yên, hạnh phúc của cộng đồng.

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết
Thu gọn